Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết vài tuần tới đây sẽ giải ngân 1.000 tỷ đồng đầu tiên cho người vay mua nhà ở xã hội (NƠXH). Thông tin này mang đến hy vong cho một bộ phận người lao động thu nhập thấp khi mà thời điểm gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kết thúc vào ngày 1/6/2016. Nhiều người trong diện mua nhà ở xã hội vẫn mòn mỏi chờ một gói vay ưu đãi tương tự. Nhưng sau hơn một năm, cả doanh nghiệp và người mua nhà vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 11/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị định 100, ngân sách nhà nước sẽ cấp vốn cho ngân hàng Chính sách xã hội và cấp bù chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên, việc cho vay chưa thực hiện được do ngân sách khó khăn.
Trong tháng 11/2017, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết mới có Ngân hàng Chính sách xã hội được bố trí hơn 1.200 tỷ đồng song vẫn chưa được giải ngân vốn, 4 ngân hàng còn lại cũng đang chờ. Tuy nhiên, “đến giờ, các thủ tục, giải pháp, quy trình để thực hiện chương trình này (gói vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng cho người mua nhà ở xã hội – PV) đã xong và hoàn chỉnh.
Theo đó, năm 2018 Chính phủ có kế hoạch giải ngân 1.000 tỷ đồng đối với chương trình cho người thu nhập thấp vay ưu đãi mua nhà ở xã hội. Trong đó, vốn nhà nước cấp là 500 tỷ đồng, ngân hàng tự huy động 500 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, nguyên tắc giải ngân là có vốn thật 500 tỷ đồng của Nhà nước chuyển sang thì NHCSXH mới có thể bỏ vốn huy động của mình ra để thực hiện. Phía ngân hàng đã sẵn sàng đối với số tiền 500 tỷ đồng tự huy động.
Theo ông Nguyễn Văn Lý, Ngân hàng Chính sách xã hội đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất là ngân hàng cho vay trước, sau đó khách hàng sẽ gửi tiết kiệm tại đây. Phương án 2 là khách hàng phải gửi tiết kiệm trước khi làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng.
Trước mắt Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ thực hiện phương án thứ nhất là khách hàng có thể vay vốn trước, gửi tiết kiệm sau. Trong thời gian tới, khi đã chủ động về vốn, ngân hàng sẽ thực hiện phương án 2, theo đó khách hàng phải gửi tiết kiệm trước khi vay vốn. Ông Lý nhấn mạnh: “Khách hàng gửi tiết kiệm cần xác định rõ, hoạt động tiết kiệm này không phải tiết kiệm lấy lãi, mà thực chất là hoạt động thực hành tiết kiệm của người vay vốn nhằm tạo vốn tự có tham gia vào trong dự án vay vốn”.
Được biết, năm 2018, mức lãi suất vay ưu đãi mà ngân hàng trình Chính phủ phê duyệt là 4,8%/năm. Tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định: “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”.